GIÁ MÀ BIẾT TRƯỚC KHI ĐẾN MYANMAR
- Admin
- Dec 17, 2017
- 6 min read
Du lịch Myanmar không khó khăn nhưng có thể nói không dễ dàng vì dù sao cũng là một đất nước xa lạ. Thêm nữa, nếu chưa quen làm "khách du lịch" chính hiệu thì có thể các bạn sẽ bị dính vào những điều khó chịu, khiến bạn bực dọc cả ngày. Bởi vậy mà bọn mình muốn ghi lại những điều "giá mà mình biết từ trước" để các bạn có một chuyến đi luôn phấn khởi và như ý.
1. Cất dép đúng nơi quy định! Thật đúng nơi quy định nhé!
Khi tới các ngôi đền chùa ở đất nước Phật giáo này, các du khách đều phải bỏ dép phía ngoài. Và phần lớn các ngôi chùa đều có chỗ để giầy dép, nên các bạn hãy tìm đúng chỗ quy định rồi để dép ở đó mà không sợ ai lấy trộm. Hoặc là mang theo túi và ba lô để mang theo dép khi vào thăm đền chùa.
Khi vào chùa vàng Shwezigon tại Bagan, ngôi chùa đầu tiên, bọn mình đã không để ý việc này nên lúc đến đã để dép tại cửa hàng của các cô bán đồ lưu niệm, sau khi được các cô ấy ân cần chỉ dẫn và thậm chí còn tặng cho mình một món quà handmade nhỏ. Lúc ra về, như một "phép lịch sự" bọn mình phải nán lại để mua đồ tại các quầy lưu niệm này. Gần như bọn mình không có sự lựa chọn khi các cô ấy đã giữ giầy và kéo mình vào. Thậm chí, sau khi mình mua xong với một cái giá rất thách ở hàng số 1, cô bán hàng đưa dép và món đồ của mình cho cô ở hàng 2. Cô này lại tiếp tục chèo kéo mình mua tiếp đồ lưu niệm và với một mức giá thấp hơn khá nhiều cho sản phẩm cùng loại. Thiết nghĩ, việc quảng cáo và bán đồ lưu niệm không có gì sai nhưng nên được thực hiện một các đàng hoàng và có điểm dừng. Chứ tại ngôi chùa này, mình thấy đó là một sự chèo kéo quá đà.

Nơi để giầy dép phía bên trong chùa Shwezigon
2. Chỉ nhận đồ từ người khác khi bạn trả tiền cho chúng
Cũng vẫn tại Shwezigon, bọn mình lại học được một bài học nữa. Khi bước vào bên trong chùa, hai người phụ nữ tiến đến và đưa cho bọn mình mỗi người 1 bông hoa (hoa trông rất xấu) và bảo bọn mình ra ban và lễ 3 lạy sẽ được may mắn. Mang trong đầu những lời ca ngợi của du khách đi trước về người dân địa phương hiền lành và mộ đạo, bọn mình nghĩ những người này là một con chiên và đang kiểu thay Phật làm phước, nên không mảy may từ chối. Ngờ đâu khi lạy xong thì họ đòi bọn mình tiền một cách thẳng thắn và kiên định và nói rõ ràng "No small amount!"
Mô phật...
Bị lừa một lần rồi vẫn không chừa, tại Yangon, sau khi bọn mình tham quan xong Shwedagon, một người phụ nữ tại khi trông giữ giầy dép đon đả lại gần và đưa cho bọn mình giấy ướt để lau chân. Nghĩ bụng vé vào cửa 10.000kyat đắt thế chắc đây là một dịch vụ đi kèm. Bọn mình lại không mảy may nhận. Sau khi đã tươm tất thì họ chỉ vào một cái rổ ở chỗ khá kín, ý là bọn mình để tiền vào trong đó.

Mặc dù bị "lừa phỉnh" mấy lần nhưng nhìn ngôi chùa thật đẹp cũng cảm thấy an ủi phần này - Shwezigon (Bagan)
3. Tự xử lý vấn đề của mình cho đến khi không thể
Tại Bagan, các bạn có thể thuê xe đạp điện để di chuyển đến các đền thờ. Và không phải tự nhiên người ta chỉ cho thuê 13 tiếng 1 ngày, vì những xe này được dự tính là chỉ đủ điện năng để đi được từng đấy. Bọn mình cũng chủ quan và đi quá thành 15 tiếng và quả nhiên là xe hết điện giữa đường. Ở bagan, không phải chỗ nào cũng có đèn đường. Có những chỗ chỉ là đồng cỏ và đền chùa dọc hai bên đường, cùng chẳng có quán xá, nên buổi tối là tối om. Nếu hết điện thì khá phiền, vậy mà bọn mình lại gặp phải tình huống này. Trong lúc bối tối chưa nghĩ ra nên làm gì thì một chiếc xe tiến đến và hỏi bọn mình có cần giúp đỡ không. Có hai vợ chồng và một em bé. Mình nghĩ nhờ họ nói chuyện với chủ xe bằng tiếng địa phương sẽ chuẩn và nhanh hơn, nên mình đã đưa điện thoại và nhờ họ nghe điện. Sau khi giúp xong, họ nói ok rồi và chủ xe sẽ đến, họ hỏi bọn mình xem đã mua quà lưu niệm chưa và giở ngay một gói toàn đồ lưu niệm. Đến đây mình biết là có vấn đề. Mình đành thử xem đồ và họ nói rất thách. Đây cũng là đặc trưng tại Bagan nên khách du lịch thường phải mặc cả. Mình đã thử từ chối không mua, họ nói điều đó không sao nhưng lại lấy lý do nghèo khó và phải nuôi con nên khiến bọn mình rất khó xử.
Qua những câu chuyện trên, bọn mình rút ra được một điều có vẻ ngô nghê nhưng hết sức hợp lý khi đi du lịch nước ngoài đó là: Không ai cho không ai điều gì cả.
4. Sử dụng Google translate để chắc chắn người dân bản địa hiểu ý của mình.
Bọn mình bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của Google translate khi đến Mandalay. Khác với Bagan - chốn du lịch “sầm uất”, Mandalay lại là một thành phố với nhịp sống bình thường, không có nhiều khách du lịch, không có hàng quà lưu niệm (trừ khi đến những địa điểm nổi tiếng). Vì vậy, khi vào những hàng quán bình thường, rất hiếm có ai đó nói tiếng Anh với bạn.
Khi chuyển từ chiếc xe bus to chở bọn mình từ Bagan sang chiếc xe tuk tuk để đi vào thành phố, mình đã không biết làm thế nào để nói địa điểm mình muốn dừng lại với người phụ xe, bởi bạn ấy không nói Tiếng Anh, và nếu bạn ý không hiểu thì chiếc xe sẽ cứ chạy và bọn mình cũng không biết đi đâu (không có lộ trình rõ ràng, cũng không có biển hiệu). Bởi vậy, các bạn nên đưa cho tài xế địa chỉ cụ thể trước khi bị nhồi lên xe, hoặc dùng google translate khi muốn xe dừng lại tại một địa điểm nào đó trên đường.
Một lần tụi mình vào một quán ăn tại Mandalay và xin thêm một cái đĩa sạch. Mình đã chỉ vào cái đĩa có một con cá và sau đó đã được mang cho hẳn 1 món cá chứ không phải một chiếc đĩa sạch. Một lần khác cũng tương tự như vậy và hệ quả là mình đã mang thêm một đĩa thức ăn thừa về. Bởi vậy, các bạn có thể dùng hình ảnh cụ thể để trao đổi vì nhiều khi người dân hiểu sai nhưng họ vẫn ok hiểu rồi.
5. Lưu ý giờ đóng mở cửa hoặc một số nơi cấm vào
- Chợ Bogyoke Aung San (cũ) ở Yangon - khu chợ nổi tiếng bán đủ các mặt hàng như kiểu chợ Đồng Xuân nhà mình, thường đóng cửa vào thứ hai. Những ai chót đi vào thứ hai như bọn mình chắc chắn sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền. Một điểm nữa là hiện nay có 2 khu chợ Bogyoke Aung San: một cũ và một mới nằm đối diện nhau qua đường. Khu chợ mới nằm cạnh một trung tâm thương mại lớn.
- Tại Mandalay, một số đền, chùa không mở cửa buổi tối ví dụ như Mahamuni và Kuthodaw đẹp và nổi tiếng. Vì vậy các bạn nên tranh thủ thời gian đi ban ngày. Hơn nữa, Kuthodaw là địa điểm buổi sáng chụp ảnh khá đẹp, với rất nhiều những ngôi đền trắng xếp thành hàng hàng, lớp lớp với nhau.
- Tại Bagan, một số ngôi đền nổi tiếng để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn đã bị cấm. Các bạn có thể kiểm tra lại với người dân địa phương để lên kế hoạch chuẩn. Ví dụ 3 ngôi đền ngắm hoàng hôn gần đây đã bị đóng cửa như: Swesandaw, Pyathatgyi và Lawka-oh-shaung
6. Nói chuyện với các nhà sư để biết thêm về văn hoá lịch sử
Khi đến tham quan các ngôi chùa, các bạn đừng ngại bắt chuyện với những nhà sư khi muốn hỏi thăm về lịch sử, văn hoá. Họ là người được học bài bản về Phật giáo và cũng rất cầu tiến, muốn nâng cao khả năng ngoại ngữ và hiểu biết thêm về văn hoá nước ngoài. Bọn mình đều nhận thấy đây là một sự khác biệt rõ ràng giữa những nhà sư Việt Nam và nhà sư Myanmar. Tại Myanmar, những nhà sư khá trẻ trung, thân thiện và không e dè với người ngoài. Thậm chí một số người rất hoạt ngôn và nhiệt tình chia sẻ sự hiểu biết của họ. Lúc nói chuyện, mình có cảm giác như nói chuyện với những người bạn.
コメント